Trường THPT Nguyễn Tất Thành

Ngày 16/6/2004 trường THPT Nguyễn Tất Thành được thành lập theo quyết định số 76/2004/QĐ-UB, của UBND tỉnh Gia Lai. Sau gần mười lăm năm thành lập, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh và đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó của thầy và trò nhà trường, trường THPT Nguyễn Tất Thành đã từng bước trưởng thành và phát triển, tạo được niềm tin cho nhân dân và học sinh các dân tộc IaPa.

Quá trình mười năm ra đời, xây dựng và phát triển của trường THPT Nguyễn Tất Thành có thể chia làm hai giai đoạn: Từ 16/6/2004 đến tháng 01/2006 và từ tháng 01/2006 đến nay.

Từ 16/6/2004 đến tháng 01/2006 là giai đoạn có tên nhưng chưa có vóc hình.

Khi quyết định thành lập trường chỉ có 17 cán bộ giáo viên, nhân viên (trong đó 02 cán bộ quản lý, 12 giáo viên, 03 nhân viên); số lớp năm học đầu tiên là 17 với 765 học sinh (10 lớp 10 và 07 lớp 11)

Thời gian này cơ sở vật nhà trường chưa có gì, năm học 2004-2005 học sinh phải học nhờ tại trường THCH Phan Bội Châu và THCS Hai Bà Trưng; qua năm học 2005-2006 trường lại phải mượn cơ sở của Trường THCS Phan Bội Châu và Tiểu học Lý Tự Trọng làm nơi học cho học sinh. Văn phòng của trường được đặt nhờ tại gian phòng nhỏ của trụ sở UBND xã Iamarơn. Biết bao khó khăn, vất vả, chật vật của buổi ban đầu để có ngày hôm nay quả là một kỷ niệm đáng nhớ.

Những ngày đầu thành lập bao công việc bộn bề vừa lo cơ sở vật chất để tổ chức dạy và học, vừa lo công tác tổ chức của nhà trường, từ đó Chi bộ Đảng, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên và các tổ chuyên môn của trường được thành lập. Chi bộ Đảng của trường ban đầu chỉ có 4 đồng chí do đồng chí Lê Khắc Hóa làm bí thư. Ngày 5/9/2004, lễ khai giảng đầu tiên của trường đã được tổ chức tiếng trống khai giảng đầu tiên được vang lên tại địa điểm của trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu, khoá học đầu tiên với 435 HS được biên chế làm 10 lớp 10. Trong hoàn cảnh khó khăn chưa có trường lớp, phải đi học nhờ ở hai địa điểm cách nhau 4 km. Một chốn, đôi nơi các thầy cô giáo, đặc biệt Ban giám hiệu đi lại như những con thoi để lo tổ chức các hoạt động học tập, giáo dục, vui chơi cho học trò, vừa chuẩn bị cho việc tiếp quản trường mới.

Thương học trò phải thiệt thòi vì đi học nhờ, các thầy cô giáo đã dốc hết tâm sức trí tuệ và tình yêu thương cho các em học sinh. Con đường cát sỏi 4 km nối giữa hai trường PBC-HBT và PBC-LTT đã in dấu chân các thầy, cô trong suốt 3 học kỳ đầu; năm học đầu tiên ấy trong khó khăn, thiếu thốn nhưng cả thầy và trò đã vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ, kết thúc năm học 2004-2005 tập thể Trường đã được Sở GD&ĐT Gia Lai công nhận danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, hai tổ là tổ Tự nhiên và tổ Xã hội đều được công nhận tập thể lao động tiên tiến. Có được điều ấy không thể không nhắc đến sự đóng góp của thế hệ những thầy cô giáo đầu tiên của nhà trường: Thầy Lê Khắc Hóa (HT), Phạm Văn Đức (PHT), thầy Nguyền Đình Phước, thầy Đặng Hoàng Hùng, thầy Siu Hưng, cô Nay H’ Bloanh, thầy Bùi Huy Giáp, thầy Trần Ngọc Quân, thầy Hoàng Văn Linh, thầy Nguyễn Văn Quang, thầy Lê Đức Linh, thầy Lê Văn Hiếu Soạn. Thế hệ đầu tiên ấy đến nay dù đang công tác tại trường hay đã chuyển đi nơi khác vẫn luôn là những thầy cô tâm huyết, say mê và giữ được vị trí tiên phong trong công tác giáo dục.

Từ khi nhà trường có trụ sở chính thức

Ngày 16/01/2006 thầy và trò nhà trường tưng bừng, phấn khởi chuyển về ngôi trường mới. Mặc dù đã có trường lớp, nhưng buổi ban đầu vẫn bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Như một gia đình nhỏ mới ra ở riêng, mọi thứ đều phải lo toan, cơ sở vật chất của nhà trường ban đầu thiếu thốn. Ngoài khu hiệu bộ, khu nhà học lý thuyết thì toàn bộ khu trường là một bãi đất hoang đầy nắng và cát sỏi. Trường chưa có nhà đa năng, chưa có phòng thí nghiệm thực hành, không có phòng máy vi tính, giữa cái nắng như đổ lửa của mùa khô và mưa như chút nước của mùa mưa, xe của thầy và trò như cùng thi gan cùng mưa nắng. Quy mô của nhà trường đạt mức cao nhất vào năm học 2006-2007 với 26 lớp 1003 học sinh; cán bộ, GV, NV là 55 người.

Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, sự phối hợp ủng hộ của cha mẹ học sinh và nỗ lực của chính mình, nhà trường đã từng bước được trang bị, bổ sung các trang thiết bị, cơ sở vật chất: năm 2007 đưa vào sử dụng nhà tập thể giáo viên, nhà để xe học sinh, bể nước cho học sinh, nhà để xe giáo viên; năm 2008 đưa vào sử dụng nhà bán trú học sinh; năm 2009 đưa vào sử dụng nhà tập đa năng; cuối năm 2012 đưa vào sử dụng khu nhà thí nghiệm thực hành … đến nay cơ sở vật chất nhà trường khá khang trang, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy của thầy và học của trò. Hiện tại nhà trường đã được Sở Giáo dục phê duyệt các hạng mục còn lại trong các tiêu chuẩn về CSVC tiến tới đạt trường chuẩn quốc gia vào năm 2020.

Là một trường THPT đứng chân trên địa bàn đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai, hằng năm nhà trường phải tuyển toàn bộ số học sinh đỗ TN THCS trên địa bàn huyện. Trước thực tế đó đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đã nỗ lực không ngừng phấn đấu thi đua dạy tốt-học tốt. Trong 5 năm học đầu tiên 2004 – 2009 học lực trung bình trở lên bình quân không vượt nổi 50% thì ở 5 năm học tiếp theo 2010 – 2014 đã trên 70%, từ năm 2015 – 2018 là trên 85% (năm học 2017- 2018 là 92,86%). Từ chỗ phải vất vã với chất lượng học sinh quá thấp thì từ năm 2009 đến nay, học sinh của trường đều đạt giải trong kỳ thi cấp tỉnh. Tháng 6/2006, các em học sinh khóa đầu tiên của trường đã tốt nghiệp ra trường với tỉ lệ 32,3%; năm học 2016 – 2017 là 100%; năm học 2017 – 2018 là 99,36%.

Những năm qua, chi bộ Đảng trường THPT Nguyễn Tất Thành giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các hoạt động của nhà trường ngày càng phát triển. Từ chỗ chỉ có 4 đảng viên, Chi bộ đã phát triển nhanh chóng đến nay chi bộ có 19 đảng viên (chưa kể các đảng viên đã nghỉ hưu, chuyển công tác). Các năm liên tục gần đây chi bộ đều được Huyện ủy Iapa công nhận là chi bộ trong sạch vững mạnh.

Các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đảng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Tổ chức Công đoàn nhà trường đã phát huy được vai trò, tạo được sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ cơ quan, là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của anh chị em, đồng thời tổ chức cho cán bộ giáo viên tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Ngành. Những năm qua, Công đoàn liên tục đạt danh hiệu Công đoàn cơ sở vững mạnh.

Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của trường luôn phát huy vai trò xung kích, tình nguyện trong mọi hoạt động. Đoàn trường đã xây dựng được nền nếp, kỷ cương cho đoàn viên, thanh niên trong trường. Đồng thời tổ chức được nhiều hoạt động, nhiều sân chơi thu hút được thanh niên và có tác dụng giáo dục mạnh mẽ.

Với những kết quả đã đạt được, trong các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2017, 2018 trường được Chủ tịch UBND Tỉnh tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Năm học 2018 – 2019 tiếp nối những thành công bước đầu, tập thể giáo viên cùng với học sinh không ngừng phấn đấu cố gắng. Đội ngũ cán bộ giáo viên ngày càng lớn mạnh, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng vì học sinh. Công tác bồi dưỡng giáo viên được nhà trường hết sức quan tâm. Hiện nay nhà trường đã có 4 thầy cô giáo có trình độ Thạc sỹ, 2 đang đi học cao học.

Gần mười lăm năm đã trôi qua, cùng với sự đổi thay của đất nước, trường THPT Nguyễn Tất Thành cũng không ngừng đổi thay và phát triển. Nhiều thế hệ học sinh đã ra trường đem sức lực và trí tuệ đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước. Nhiều thầy cô giáo đã về công tác tại trường nay đã chuyển sang môi trường mới, có thầy giáo đã được về nghỉ hưu vẫn luôn nhớ về mái trường Nguyễn Tất Thành những ngày khó khăn, thiếu thốn, nhưng đầm ấm và yêu thương.

Contact Information
Related Listing

Lastest episode of "EdTech Vietnam indepth insights" | International perspectives on Vietnam's EdTech

Annoucing event: White Paper & Vietnam's EdTech Ranking 2023 (08/2023)