NHỚ NHỮNG NGÀY ĐẦU MỚI GIẢI PHÓNG
(Trích Hồi kí của thầy NGUYỄN ĐÌNH TUNG,nguyên Hiệu trưởng và Bí thư Chi bộ đầu tiên của Trường THPT Nguyễn Trãi)
Chúng tôi không sao quên được khí thế của những ngày đầu đất nước được hoàn toàn giải phóng!Năm học 1974-1975 kết thúc, chúng tôi, những cán bộ giáo viên của tỉnh Nghệ An được Bộ điều động chi viện ngay cho miền Nam. Vào tới Nha Trang, chúng tôi tạm nghỉ tại Trường phổ thông cấp 2 Huyền Trân. Chân ướt chân ráo đặt ba lô xuống thì tôi, anh Dương Văn Giáo và anh Nguyễn Văn Giáo được tỉnh điều động đi làm công tác đặc biệt, công tác đổi tiền ở ba quận của Thành phố Nha Trang. Tôi được phân công đến Quận 2, nơi anh Đinh Hoà Khánh làm Quận trưởng. Một lần nhận tiền tại cơ quan quận đóng, nghe giọng nói của tôi, anh Khánh hỏi:
Anh Tung quê ở xã nào?
Tôi trả lời:Thưa anh, quê tôi ở xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương.
Anh Khánh lại hỏi tiếp:Ở xóm nào?
Ở xóm Diên Phong, anh ạ.
Có gần nhà cụ Phan, đảng viên 30-31 không? (Cụ Nguyễn Đình Phan là đảng viên 1930 – 1931, Tỉnh uỷ viên lúc bấy giờ. Cụ bị địch bắt giam tại nhà lao Ban Mê Thuột từ năm 1931 đến năm 1938)
Thưa anh, cụ Phan là bác ruột của tôi. Nhà cụ cạnh nhà tôi ạ.
Thì ra anh Khánh là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc; đã có lúc anh ở tại quê tôi, sau đó được cử đi học và trở vào Nam hoạt động cho đến bây giờ.
Sau hơn một tháng làm công tác đổi tiền, tôi lại được điều về Ty Giáo dục Phú Khánh. Một hôm, đang ăn cơm, anh Nguyễn Tài Sum (Trưởng phòng Tổ chức Ty) nhắc tôi:
Anh Tung ăn cơm xong lên Phòng Trưởng Ty, anh Khánh cần trao đổi.
Lên Phòng Trưởng Ty, tôi thấy anh Khánh chờ sẵn ở đó. Anh vồn vã mời tôi uống nước và vào vấn đề ngay:Mình về bên này công tác rồi. Mấy hôm rày các trường chưa khai giảng được. Học sinh và giáo viên đang chờ ở dưới đó. Anh Tung về điểm Ninh Hoà giúp cho Ty.
Tôi hỏi:Làm gì anh?
Anh Khánh bảo:Làm chủ trì.
Tôi lo và nói ngay:Em chưa làm hiệu trưởng, anh ạ.
Đoán được lòng tôi, anh Khánh động viên: Được rồi, mình biết anh Tung chưa làm hiệu trưởng nhưng đã có thời gian làm cán bộ ở Ty Giáo dục Nghệ An. Và, anh còn dặn thêm:
Đừng lo. Ninh Hoà là quê hương của mình đó. Có gì khó khăn, mình sẽ giúp.
Tôi hỏi thêm: Ở dưới trường có anh em miền Bắc nào đã vào đó chưa anh?
Có đến 6,7 anh em gì đó. Các anh đang chờ anh về kịp khai giảng.
Như để giục tôi, anh nhắc thêm:
Cố gắng ổn định sớm và khai giảng trong tháng 10 chứ không để sang tháng 11.
Theo sự phân công của Ty, ngay sáng hôm sau, tôi ra bến xe đi Ninh Hoà. Về đến nơi, tôi thấy anh em giáo viên đã tập kết sẵn ở trụ sở gần ngã ba Ninh Hoà, nơi Phòng Giáo dục huyện chuyển giao lại. Lúc bấy giờ, mọi thứ đều thiếu thốn; thậm chí không có giường, anh em giáo viên phải nằm trên cả những cái bàn kê ghép lại. Lo lắng nhiều bề! Thêm phần thì nhớ nhà, phần thì chưa quen biết… Thế nhưng, đó không phải là điều quan trọng. Phải nghĩ đến trách nhiệm của người hiệu trưởng, tôi tự nhủ.
Sang huyện gặp anh Chấp trình quyết định, tôi được các anh ở uỷ ban cho biết là anh Khánh đã gọi điện xuống thông báo trước rồi. Các anh bảo tôi về ổn định tổ chức và tiến hành khai giảng ngay. Sang huyện uỷ, tôi gặp anh Triết Giang (bí thư huyện uỷ lúc đó) hỏi hiện nay ai là bí thư chi bộ của nhà trường. Anh Triết Giang bảo “Bí thư Chi bộ cũng là anh luôn”. Thế là mình tôi phải đảm nhiệm cả hai, vừa công việc của nhà trường, vừa công tác của chi bộ.
Chưa đủ số đảng viên, nhưng huyện uỷ vẫn cho phép thành lập một chi bộ độc lập để tiện việc chỉ đạo nhà trường lúc bấy giờ. Về chỗ ở, tôi hội ý với hai đảng viên là anh Phùng Quang Thao và anh Lê Văn Thảo (anh Thảo là đảng viên dự bị) về tình hình và yêu cầu trên. Chi bộ nhất trí dù thế nào cũng phải khai giảng kịp với phong trào chung của toàn tỉnh.
Tôi cùng với vài ba giáo viên lên thăm và tìm hiểu về ngôi trường mình sẽ là chủ trì. Người tôi gặp đầu tiên là bác Tín, bảo vệ của trường. Bác bảo: Tôi không biết gì cả. Tôi chỉ biết làm việc của bảo vệ thôi. Các thầy muốn biết gì thì hỏi Ban Đại diện của trường sẽ rõ.
Tôi hỏi: Ai là những người trong Ban Đại diện?
Bác Tín kể qua gồm thầy Đại, thầy Dũng, thầy Hoà,…Tôi nhờ bác báo tin cho các thầy đó sáng mai lên trường để tôi gặp trao đổi. Và, tôi đã gặp các thầy trong Ban Đại diện và nhờ các thầy thông tin cho giáo viên, học sinh trong vài ngày tới tập trung về trường để kịp ổn định và khai giảng năm học mới.
Để có tài liệu và hồ sơ của nhà trường, tôi lại hỏi bác Tín:
Ai giữ chìa khoá của các tủ?
Phải có lệnh trên mới được giao, vì khi tiếp quản các anh bộ đội đã niêm phong cả rồi.
Tôi nói cho bác biết tôi đã làm việc với uỷ ban nhân dân huyện và huyện uỷ rồi. Chúng ta phải khẩn trương tổ chức việc học tập cho con em sau ngày giải phóng, không thể chậm trễ hơn nữa.
Thế là anh em giáo viên chia nhau mỗi người đi một ngã thông tin cho học sinh các xã. Còn bộ phận văn phòng thì sắp xếp lại sổ sách, hồ sơ cũ và chuẩn bị cho lễ khai giảng.
Lễ khai giảng năm học mới của trường đã được diễn ra nhẹ nhàng, ngắn gọn nhưng thật ý nghĩa vào đầu tháng 10 năm 1975. Chào cờ xong, tôi đọc quyết định củaTy Giáo dục tỉnh bổ nhiệm tôi phụ trách trường rồi phân công giáo viên chủ nhiệm lớp, giới thiệu giáo viên giảng dạy các bộ môn.
Đây là năm học đầu tiên toàn miền Nam thực hiện ngay chương trình và sách giáo khoa mới theo hướng phân ban. So với miền Bắc và miền Nam cũ thì chương trình có nâng cao hơn, có nhiều phần lí luận và kiến thức hiện đại hơn. Lại thêm trong hoàn cảnh đó sách giáo khoa in và chuyển về không kịp, nên giáo viên rất lúng túng. Nhà trường phải tổ chức cho giáo viên dựa vào phân phối chương trình tự soạn bài giảng theo chủ trương: khi nội dung bài giảng được tổ chuyên môn thông qua là được chấp nhận. Dần dần sau này sách giáo khoa được chuyển về, nhà trường đỡ lúng túng hơn.
Đúng ngày 15 tháng 10 năm 1975, nhân dịp ngày Bác Hồ gửi thư cuối cùng cho ngành giáo dục cả nước, tôi tập trung toàn thể giáo viên và học sinh tại sân trường ở khu B (Trường Đức Linh cũ) đọc lại bức thư của Bác và công bố quyết định của UBND tỉnh Phú Khánh cho trường ta mang tên vị anh hùng dân tộc “TRƯỜNG PHỔ THÔNG CẤP 3 NGUYỄN TRÃI” nay là “TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN TRÃI”.
CEO Info (Membership only )